Tác giả: Nhật Phạm
Trong cuộc đời đầy những hối hả và hỗn loạn này, câu hỏi “Chúng ta sống để làm gì?” luôn vang vọng trong tâm thức mỗi người. Có lẽ, không ít lần chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của trách nhiệm, của những mục tiêu xa vời, để rồi quên đi những giá trị giản dị nhất: hoa đang nở, nước vẫn chảy, và mặt trời vẫn mọc lặng lẽ mỗi ngày. Câu nói “Tôi đến với thế giới này không phải để duy trì nòi giống đời sau, mà là để xem hoa nở thế nào, nước chảy ra sao, cách mặt trời mọc và cả ánh chiều tà lặn xuống và để ngắm trăng sáng trên bầu trời. Tôi sống trên đời này chỉ để hiểu ba cái lý lẽ và những điều thú vị mà thôi.…” chính là một lời nhắc nhở về bản chất của việc tồn tại – một sự tồn tại không vì bất kỳ áp lực xã hội nào, mà chỉ để hòa mình vào vẻ đẹp tinh tế và diệu kỳ của cuộc sống.
Nhật Phạm, đã rất may mắn khi đã lựa chọn luận án Tiến sĩ chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ văn học từ đó có cơ hội điều kiện đọc các tác phẩm văn học Đông Tây cũng như những lý luận liên quan, tích luỹ những góc nhìn về con người cuộc đời của những nhà văn nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng tới xã hội hiện đương đại, đồng thời với niềm đam mê sâu sắc với việc tìm hiểu triết học, đã lấy cảm hứng từ câu nói trên để chia sẻ một góc nhìn sâu sắc về giá trị của cuộc sống. Với mong muốn gửi đi một thông điệp triết lý về cách sống, mình muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thấu hiểu những điều giản dị nhưng đầy ý nghĩa trong bộn bề nhân sinh. Sự đồng tình cao độ của những triết gia, những nhà tư tưởng, nhà văn về sự tự do cá nhân và hướng tới giá trị tinh thần bền vững của mỗi cá thể.
Khởi đầu từ triết học Osho: Sống cho hiện tại
Osho từng nói: “Cuộc sống không phải là một vấn đề để giải quyết mà là một bí ẩn để sống.” Chúng ta không phải đến đây để giải quyết những câu hỏi phức tạp về sự tồn tại, cũng không cần gánh vác áp lực làm hài lòng những quy chuẩn xã hội. Thay vào đó, mỗi người được sinh ra để quan sát, cảm nhận và thưởng thức vẻ đẹp của từng khoảnh khắc hiện tại. Những cánh hoa nở, dòng nước chảy hay mặt trời mọc – tất cả đều là những món quà quý giá mà sự sống ban tặng, nhưng cũng dễ bị lãng quên trong nhịp sống vội vã, học cách trọn vẹn với sự đơn giản xung quanh và trở về với chính mình để nuôi dưỡng nội tâm thuần khiết, sống an lạc ngay trong khoảnh khắc mình lựa chọn.
Chủ nghĩa hiện sinh: Ý nghĩa từ những điều giản dị
Albert Camus, trong Huyền thoại Sisyphus, từng viết rằng: “Ta phải tưởng tượng Sisyphus hạnh phúc.” Dù bị định mệnh áp đặt phải đẩy một tảng đá lên núi không ngừng nghỉ, Sisyphus vẫn tìm thấy ý nghĩa trong hành động của mình. Tương tự, cuộc đời không cần đến những mục tiêu lớn lao hay những lý tưởng cao cả, cũng chẳng cần phải thuận buồn xuôi gió, đôi khi những điều phi lý là hiển nhiên trong cuộc sống, tìm thấy ý nghĩa trong những thứ lặp đi lặp lại mỗi ngày mới đáng giá. Ngắm nhìn một đóa hoa, cảm nhận sự luân chuyển của nước, hay chứng kiến sự hồi sinh của ánh mặt trời mỗi buổi sớm dù nó lặp lại mỗi ngày nhưng tất cả đều tuyến tính, đều đủ, bình yên, trọn vẹn ở bất cứ thời điểm nào để chúng ta thấy cuộc sống đáng sống.
Henry David Thoreau và sự cô đọng của tự nhiên
Trong Walden, Thoreau đã sống giữa thiên nhiên để cảm nhận những gì thuần khiết và tinh khôi nhất của cuộc đời. Ông viết: “Tôi ra đi để sống có chủ đích, để chỉ đối diện với những điều thiết yếu nhất của cuộc sống, và xem liệu tôi có thể học được điều gì từ nó.” Phải chăng sống chỉ để nhìn hoa nở, nước chảy và mặt trời mọc cũng là một cách sống có chủ đích? Thoreau tin rằng sự đơn giản của tự nhiên chính là bài học quý giá nhất để con người hiểu rõ về bản thân.
Epicurus và niềm vui từ sự đơn giản
Epicurus từng khẳng định: “Sự giàu có lớn nhất là sống đơn giản.” Thay vì chạy theo danh vọng, tiền tài, con người có thể tìm thấy niềm vui thực sự từ những điều giản dị. Nhìn hoa nở hay ánh chiều tà lặng lẽ trôi qua không chỉ là sự quan sát mà còn là cách để tâm hồn được chữa lành. Chính những khoảnh khắc nhỏ bé đó tạo nên sự cân bằng cho cuộc sống. Quay lại với hình tượng nghĩa bóng của câu nói về sự đơn giản, vì thế sự quá phức tạp, lòng người khó đoán, mối quan hệ không bền vững vì những mưu cầu cá nhân, trách nhiệm và vô số thứ xiềng xích đang trói buộc lấy chúng ta nên dường như sự đơn giản có lẽ là một tâm hồn nào cũng mong muốn có được khi đời sống tinh thần mệt mỏi quá rồi…
Chủ nghĩa lãng mạn: Sự hòa điệu với thiên nhiên
Xét ở nghĩa đen về hình tượng xuất hiện trong câu nói trên, với các nhà lãng mạn như Wordsworth, thiên nhiên không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là nơi con người tìm thấy sự thanh thản và kết nối sâu sắc với chính mình. Trong bài thơ Daffodils, Wordsworth từng mô tả những bông thủy tiên vàng nhảy múa bên hồ nước như một khoảnh khắc lưu giữ mãi trong tâm hồn. Phải chăng câu nói trên cũng chính là lời nhắc để chúng ta sống chậm lại, hòa mình vào thiên nhiên, để thấy rằng những bông hoa, dòng nước và mặt trời đang lặng lẽ kể câu chuyện của sự sống. Cho bản thân mình chậm lại để nhìn nhận qua việc về nguồn, trọn vẹn với thiên nhiên?
Đôi lời nhắn nhủ
Trong một thế giới mà người ta dễ dàng đo lường giá trị bằng những thứ hữu hình, hãy dành thời gian để “ngắm nhìn hoa nở, lắng nghe nước chảy, và cảm nhận ánh sáng mặt trời lặng lẽ tràn qua từng ngọn cây. Đừng sống chỉ để hoàn thành những mục tiêu lớn lao mà quên đi sự hiện diện của cuộc đời mình trong từng phút giây. Nhật Phạm xin gửi gắm đôi lời: “Có lẽ, điều đẹp đẽ nhất của cuộc sống chính là sự trôi qua không cần lý do của thời gian, sự chuyển động vô tư của thiên nhiên, và sự sống lặng lẽ trỗi dậy mỗi ngày. Hãy sống để hiểu những lý lẽ đó, và để khám phá tất cả những điều thú vị mà cuộc sống mang đến.”