” Sướng khổ tại tâm”- Góc nhìn của Phật học.

Phật học

Thỉnh thoảng ai đó nói với bạn một câu khá hay nghe “Sướng khổ tại tâm.” khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều về một việc gì đó. Ừ thì đúng, ở một góc độ nhận thức thông thường học tâm lý học hiện đại có thể giải thích được câu nói này bằng các bằng chứng khoa học. Nhưng sâu xa hơn, ý niệm này là sự kết tinh của trí tuệ (trí tuệ khác với tri thức, mình sẽ làm rõ ở những bài sau) và sự quán chiếu từ bên trong, khi ta nhận ra rằng mọi xúc cảm thường nhật, dù là hoan lạc hay bi thương, cũng đều chỉ là thứ tạm bợ. “Vạn sự vô thường,” một lời dạy xưa cũ trong Phật học nhắc nhở rằng không có gì trường tồn, không một thứ gì mãi mãi thuộc về ta.

Cảm xúc là thứ kỳ lạ, tựa như một cơn sóng, lúc bình yên, lúc reo ca, và cũng lắm lúc cuồn cuộn dữ dội, cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi của nó. Niềm vui đến rồi cũng đi, cũng như khổ đau chẳng bao giờ ở lại mãi mãi bên một người. Khi thấu tỏ nhân sinh, thấu triệt tính chất vô thường của vũ trụ, ta sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn, bớt cố bám vào những niềm vui mong manh trần tục, và cũng thôi gặm nhấm nỗi đau đã phai tàn. Phật học từng trích dẫn một câu nghe đâu của Đức Phật ( tôi không dám chắc chắn vì thực tế, mọi kinh sách hiện tại đều do đồ đệ của Ngài ghi chép và truyền lại sau khi Ngài đã nhập Niết Bàn): “Mọi khổ đau đều khởi sinh từ lòng tham và sự bám chấp” – chính khi buông bỏ, ta sẽ tự thấy lòng mình thảnh thơi, chữ Buông trong Phật học khác với chữ Bỏ trong tục thế, buông là nhìn thấy mà không bám chấp, cảm nhận thấy nhưng không cố theo giành giật, vạn sự để duyên khởi.

Trong Phật học, mọi sự trên đời đều bị chi phối bởi nhân duyên và hoàn cảnh. Niềm vui hay nỗi buồn của ta đôi khi chỉ là một phản ứng nhất thời trước sự chi phối của vũ trụ, những điều nằm ngoài kiểm soát của tâm. “Cũng giống như một dòng nước phản chiếu ánh sáng,” những cảm xúc của ta chỉ là sự phản chiếu hình bóng của các yếu tố xung quanh, chúng ta bị bản ngã đè chết nếu không hiểu được bản chất của các xúc cảm không có thực ở bản thể. Khi thấu hiểu điều này, ta sẽ không còn nắm giữ những cảm xúc quá chặt, không để chúng đè nặng tâm hồn. Hãy nhớ rằng, thứ nào càng nắm chặt thì càng dễ mất đi, tựa như cát trong tay ta, càng nằm càng chảy khỏi tay nhanh hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *