Trong thế giới hiện đại, toàn cầu hóa không chỉ là xu hướng mà còn là thực tế không thể đảo ngược. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều phải tìm cách hòa mình vào dòng chảy chung của nhân loại. Tuy nhiên, giữa sự giao thoa đó, một câu hỏi luôn được đặt ra: Chúng ta sẽ hội nhập như thế nào để không bị hòa tan? Với người Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm tự hào, là cách để khẳng định giá trị của một dân tộc nhỏ nhưng giàu truyền thống trên bản đồ thế giới.
Từ thuở dựng nước, văn hóa đã là nền tảng để Việt Nam tồn tại và phát triển. Qua những thăng trầm của lịch sử, văn hóa không chỉ là bản sắc mà còn là sức mạnh nội tại giúp dân tộc ta vượt qua mọi thử thách. Những yếu tố đặc trưng của văn hóa Việt Nam chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự độc đáo và đa dạng. Tiếng Việt – một ngôn ngữ giàu thanh điệu và hình ảnh – không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là phương tiện biểu đạt tâm hồn dân tộc. Những câu ca dao, tục ngữ như “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhở về lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết của người Việt. Bên cạnh đó, phong tục tập quán như Tết Nguyên Đán, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, các lễ hội làng quê đã tạo nên sợi dây kết nối các thế hệ, lưu giữ giá trị cội nguồn. Những làn điệu dân ca quan họ, nhã nhạc cung đình Huế hay cải lương Nam Bộ không chỉ làm say lòng người Việt mà còn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ẩm thực Việt Nam với những món ăn như phở, bánh mì, nem rán đã chinh phục thực khách toàn cầu, không chỉ vì hương vị mà còn vì câu chuyện về vùng đất và con người phía sau mỗi món ăn.
Toàn cầu hóa mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức cho việc bảo vệ bản sắc. Văn hóa phương Tây với những trào lưu thời thượng như Halloween hay Valentine ngày càng chiếm lĩnh đời sống giới trẻ. Nhiều gia đình hiện nay dần thay thế mâm cơm truyền thống bằng đồ ăn nhanh, trong khi các lễ hội dân gian đang dần vắng bóng vì giới trẻ lựa chọn các hoạt động hiện đại. Nhưng cũng trong bối cảnh đó, một số người trẻ Việt Nam đang nỗ lực gìn giữ và quảng bá văn hóa dân tộc. Những kênh YouTube, TikTok về ẩm thực Việt, nghệ thuật truyền thống thu hút hàng triệu lượt xem từ khắp nơi trên thế giới. Chính sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại đã giúp Việt Nam tự tin hơn trên hành trình hội nhập.
Ngày nay, vị thế của Việt Nam trên thế giới ngày càng được khẳng định không chỉ qua thành tựu kinh tế mà còn nhờ vào sự lan tỏa văn hóa. Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chứng tỏ tiếng nói và ảnh hưởng ngày càng được tôn trọng. Hay liên tục các nguyên thủ quốc gia của các cường quốc đến thăm Việt Nam, nhiều cường quốc ký kết đối tác chiến lược toàn diện, cộng đồng chung sứ mệnh…. Các sản phẩm mang thương hiệu Việt như cà phê, gạo, nông sản đã chinh phục thị trường toàn cầu, trong khi ngành công nghiệp du lịch dựa trên bản sắc văn hóa – như phố cổ Hội An, cố đô Huế – đang trở thành điểm đến yêu thích của hàng triệu du khách quốc tế. Hình ảnh người Việt thân thiện, hiếu khách và kiên cường cũng đã xây dựng thiện cảm và lan tỏa giá trị văn hóa của chúng ta ra toàn cầu.
Giữ gìn bản sắc văn hóa không có nghĩa là đóng cửa với thế giới. Hội nhập là cần thiết, nhưng cần hội nhập có chọn lọc. Học hỏi cái hay, cái đẹp từ các nền văn hóa khác nhưng không đánh mất giá trị cốt lõi của mình chính là con đường phù hợp. Chẳng hạn, nhiều nhà thiết kế Việt đã sáng tạo áo dài cách tân để phù hợp với nhịp sống hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần thanh lịch, đậm chất Việt. Những chương trình như “Ngày Việt Nam tại nước ngoài” là cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, giúp thế giới hiểu rằng, Việt Nam không chỉ là một điểm đến mà còn là một nguồn cảm hứng.
Thế hệ trẻ chính là những người viết tiếp câu chuyện của dân tộc. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ: nói tiếng Việt chuẩn mực, tham gia vào các lễ hội truyền thống, tìm hiểu về lịch sử, tập quán của dân tộc. Hãy tự hào khi khoác lên mình tà áo dài, khi giới thiệu một món ăn truyền thống với bạn bè quốc tế. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất.” Lời khẳng định ấy không chỉ là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người.
Giữa sự chuyển mình không ngừng của thế giới, Việt Nam vẫn giữ vững bản sắc văn hóa, tự tin sánh bước với các cường quốc năm châu. Hãy để mỗi người Việt trở thành một “đại sứ văn hóa,” lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc đến bạn bè quốc tế. Vì một Việt Nam mãi tự hào, vì một dân tộc mãi trường tồn.