Tác giả: Nhật Phạm
“Tiếng Việt còn, nước ta còn” – câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm như một lời nhắc nhở sâu sắc về vai trò của ngôn ngữ trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Tiếng Việt, với hơn nghìn năm lịch sử, không chỉ đơn thuần chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là linh hồn, là hơi thở của dân tộc Việt Nam. Tiếng nói của dân tộc ta được nuôi dưỡng bằng máu, mồ hồi và trí tuệ của ông cha ta từ những ngày dựng và giữ nước, giờ đây, tiếng Việt đang cần sự chăm sóc từ chính thế hệ trẻ hôm nay.
Kế thừa những giá trị di sản
Trong những câu chuyện cổ tích như Sự tích trầu cau, Thánh Gióng, hay những câu ca dao như:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,”
ta thấy rõ tiếng Việt là nơi lưu giữ những triết lý sống giản dị mà sâu sắc, là chiếc chìa khóa mở ra kho tàng văn hóa lâu đời của dân tộc.
Ngày nay, giữa những bộn bề của cuộc sống hiện đại, có lẽ không ít người trẻ quên mất giá trị ấy. Nhưng chỉ cần dừng lại một chút, mở một trang sách của Nguyễn Du, Xuân Diệu, hay Tô Hoài, ta sẽ thấy tiếng Việt đẹp biết nhường nào. Đó là vẻ đẹp mượt mà trong từng câu thơ Kiều:
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài,”.
Đó là khao khát được yêu cuồng nhiệt đôi phần tham lam nhưng tất cả đều là ham muốn cảm xúc thuần tuý được sống trong vẹn trong tuổi trẻ của Xuân Diệu qua Vội Vàng
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
hay cái tình người trong từng trang viết của Dế Mèn phiêu lưu ký. Thế hệ trẻ, hãy một lần đắm mình vào di sản ấy để cảm nhận rằng tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là lịch sử, là tình yêu vượt thời gian, vượt không gian mà ông cha ta qua vẻ đẹp của tiếng Việt để gửi lại hậu thế.
Giữ gìn trước những sóng gió hội nhập
Người trẻ hôm nay đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, nơi mà những ảnh hưởng của ngôn ngữ ngoại lai ngày càng xâm nhập mạnh mẽ vào các cách diễn đạt và sử dụng từ của người trẻ. Không khó để bắt gặp những đoạn hội thoại pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh như:
“Tối nay mình đi party nhé, dress code là smart casual!”
hay những cụm từ bị lạm dụng như “deadline”, “meeting”, “check-in” khiến người nghe không khỏi băn khoăn: Liệu chúng ta đang làm nghèo đi vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ, xét ở những góc nhìn thực dụng, chúng ta không bàn tới, nhưng xét ở chiều sâu văn hoá và bản sắc văn hoá thì có lẽ một dấu chấm hỏi được đặt ra để những ai quan tâm đến giải thích và trả lời.
Tôi từng nghe một người bạn của đi ở nước ngoài về:
“Tiếng Việt như dòng sông, càng đi xa càng nhớ, càng sâu càng thấm.”
Nhưng nếu không biết giữ gìn, dòng sông ấy sẽ trở nên chẳng còn trong trẻo làm mát những tâm hồn tha thiết một lòng thuỷ chung với quê hương. Tôi là người xứ gió Lào (gió phơn Tây Nam ), mỗi lần về quê “choa” là tất cả phương ngữ Nghệ Tĩnh 4 dấu cứ trọ trẹ bên tai và tôi cũng hoà mình với cái trọ trẹ đó để giao tiếp, yêu hơn quê nhà vì tiếng nói quen thuộc riêng biệt xứ Nghệ Tĩnh ( chỉ Hà Tĩnh và Nghệ An) mới có.
Bảo vệ tiếng Việt không đòi hỏi điều gì cao xa; đó có thể là việc sử dụng từ ngữ đúng chính tả, viết những câu văn mạch lạc trên mạng xã hội, những câu nói thuần Việt hay đơn giản là trân trọng từng lời ru của mẹ.
Phát triển để tiếng Việt vươn ra thế giới
Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ trong nước mà còn là cầu nối để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Những ứng dụng học tiếng Việt như Duolingo, những lớp học tiếng Việt ở nước ngoài cho kiều bào, hay những sản phẩm văn hóa như phim ảnh, âm nhạc, những video về tiếng Việt viral trên các nền tảng mạng xã hội quốc tế, những kênh văn hoá Việt bằng tiếng Việt có phụ đề tiếng nước ngoài,…đều đang giúp tiếng Việt chạm tới đôi tai, đôi mắt và cả những xúc cảm nhân sinh của bạn bè năm châu.
Hãy nhìn vào thành công của các nghệ sĩ Việt với những bài hát đầy tự hào tiếng mẹ đẻ, tự hào quê hương với bản sắc văn hoá đặc thù, hay những bộ phim điện ảnh, phim tài liệu nổi tiếng của Việt Nam gây tiếng vang trên thị trường quốc tế. Những bước tiến ấy minh chứng rằng, nếu được phát triển đúng hướng, tiếng Việt hoàn toàn có thể trở thành một phần của di sản văn hóa toàn cầu.
Tiếng Việt – Niềm tự hào và trách nhiệm
Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết:
“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.”
Vẻ đẹp ấy, sự mượt mà ấy, không phải tự nhiên mà có. Nó là kết tinh của hàng nghìn năm lịch sử, là niềm tự hào mà bất cứ người Việt nào cũng cần giữ gìn. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc bảo vệ, liệu đã đủ? Chúng ta cần phải hành động để phát triển tiếng Việt, làm cho nó phù hợp với thời đại mà không đánh mất bản sắc.
Lời kêu gọi
Thế hệ trẻ, hãy coi tiếng Việt là một phần của chính mình, như mạch máu trong cơ thể, như hơi thở của tâm hồn. Hãy đọc nhiều hơn, viết nhiều nhưng cẩn thận hơn, và nói tiếng Việt bằng tất cả sự tự hào, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, hãy lan toả tiếng Việt, tiếng nói của dân tộc hàng nghìn năm bị đô hộ vẫn không mất tiếng nói, tiếng nói của dân tộc hàng chục lần đánh bại quân ngoại xâm để giữ gìn non sông đất nước, giữ gìn văn hoá trong đó có tiếng nói. Giữ gìn tiếng Việt chính là cách chúng ta giữ gìn bản sắc, giữ gìn cội nguồn và tính tự tôn của dân tộc.
Đừng để đến một ngày, khi đứng giữa thế giới, chúng ta không còn tìm thấy chính mình qua tiếng nói. Vì chỉ khi tiếng Việt còn, thì nước Việt mới mãi mãi trường tồn. Tiếng Việt, đã đến lúc trở thành một ngôn ngữ cần quan tâm của bạn bè năm châu, đã đến lúc trở thành tâm điểm của thế giới, bởi, vị thế của chúng ta, đang ngày một được nâng cao. Người trẻ – hãy chung tay hành động.