Tác giả: Phạm Viết Nhật ( Bài viết là góc nhìn đa chiều nhưng có tính nhận định cá nhân của tác giả dựa theo hiểu biết cá nhân, không đại diện cho trí tuệ nhân loại hay lý thuyết cho bất cứ bài nghiên cứu nào, quý độc giả đọc với tâm thế tham khảo)
Dạo trước mình lướt top top đọc được câu nói này “Đừng cầu cho gánh nặng nhẹ bớt, hãy luyện cho đôi vai vững vàng hơn”. Câu nói chạm trên cảm xúc của mình khi nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “luyện đôi vai” để đối phó với “gánh nặng” cuộc đời. Với một người đam mê nghiên cứu liên ngành, hôm nay Nhật Phạm muốn chia sẻ quan điểm của mình từ các góc nhìn tôn giáo, triết học và xã hội, tâm lý học hiện đại, nơi mà có thể giải thích được một các đa chiều về nội dung trên.
Từ góc nhìn của Tôn giáo, “gánh nặng tinh thần mà pháp mang lại” cần có “đôi vai tâm thái vững vàng”
Trong nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và Thiên Chúa giáo, việc đối mặt và chịu đựng đau khổ được coi là một phần của con đường dẫn đến giác ngộ hoặc cứu rỗi. Phật giáo dạy rằng khổ đau là một phần không thể tách rời của cuộc sống, và thay vì tránh né, con người cần học cách đối diện và vượt qua. Qua thực hành thiền định và tu dưỡng tâm trí, người tu tập có thể trở nên “vững vàng” hơn trước mọi nghịch cảnh, từ đó đạt đến trạng thái an lạc bên trong. Trong Phật giáo, khái niệm vô thường (anicca) và sự bất khả đoán định của vạn pháp được xem là cốt lõi để hiểu về bản chất của cuộc sống. Phật giáo dạy rằng mọi thứ trên đời đều thay đổi, không có gì là vĩnh viễn. Vô thường không chỉ áp dụng cho sự vật hiện tượng, mà còn là bản chất của mọi khổ đau, hạnh phúc, khó khăn và thử thách mà con người phải trải qua. Điều này có nghĩa là không ai có thể yêu cầu hay mong muốn cuộc đời giảm nhẹ sự biến chuyển của các hiện tượng, bởi vô thường là quy luật không thể lay chuyển.
Vì không thể ngăn chặn vô thường, con người chỉ có thể học cách thích nghi và rèn luyện bản thân để đón nhận sự thay. đổi. Trong Phật giáo, việc cầu mong một cuộc sống không có khổ đau, không có khó khăn là trái với bản chất của nhân sinh. Những thay đổi và biến động là điều không thể kiểm soát, và thay vì tìm cách tránh né, người tu tập được khuyên nên thực hành chánh niệm, nhìn nhận cuộc đời với tâm bình an để có thể đón nhận bất kỳ điều gì xảy đến.
Không thể mong cầu nhân sinh giảm nhẹ diễn biến vô thường của pháp, bởi pháp là thực tại, là bản chất của tất cả những gì đang diễn ra trong vũ trụ. Thay vì cầu mong sự dễ dàng, Phật giáo nhấn mạnh vào việc tự rèn luyện để tâm hồn trở nên vững vàng, không bị cuốn theo những thăng trầm của cuộc sống. Hành trình tu tập chính là cách để con người chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận mọi diễn biến, không còn cố tìm cách thay đổi ngoại cảnh mà thay vào đó là thay đổi chính bản thân.
Như vậy, từ góc nhìn Phật giáo, “luyện cho đôi vai vững vàng hơn” là lời nhắc nhở về việc đón nhận vô thường bằng tâm thế kiên định, tỉnh thức, chấp nhận rằng cuộc đời không thể luôn yên bình hay theo ý muốn, chúng ta hãy luyện cho đôi vai mang tên tâm thái có thể thuận dòng với gánh nặng mang tên vô thường. Thay vì tìm cách thay đổi thế giới bên ngoài hay mong cầu khổ đau giảm bớt, con người cần học cách giữ vững nội tâm, bình thản trước mọi sự thay đổi và bất ngờ của cuộc sống.
Trong Thiên Chúa giáo, ý niệm “đôi vai vững vàng” cũng liên quan đến đức tin và lòng kiên nhẫn. Tín đồ được khuyên nhủ không chỉ cầu xin Chúa giảm bớt thử thách mà còn xin ơn Chúa ban cho sức mạnh để vượt qua chúng. Khả năng chịu đựng thử thách được xem là cách để mỗi người trở nên kiên định và có đức tin mạnh mẽ hơn. Với những tôn giáo tha lực như Thiên Chúa giáo hay các tôn giáo khác đều có những đức tin về xin ban ơn, họ được khuyến khích cầu nguyện cho sức mạnh cá nhân tăng lên. Vì không nghiên cứu nhiều và sâu về các tôn giáo này nên tôi chỉ tóm tắt một ý hiểu của mình theo nhận định cá nhân, các bạn đang có tôn giáo này nếu có gì khúc mắc có thể liên hệ trực tiếp tác giả.
Góc nhìn triết học – Vũ trụ luôn đẩy đến cho chúng ta những trở ngại để thử thách “tôi”.
Triết học cũng có những quan điểm tương đồng về việc chấp nhận và đối diện với khó khăn. Triết gia Friedrich Nietzsche với câu nói nổi tiếng “Điều gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn” nhấn mạnh việc tôi luyện qua thử thách, những trở ngại giúp tôi luyện bản lĩnh và đó chính là đôi vai để gánh vác gian nan. Nietzsche tin rằng khó khăn và nỗi đau không chỉ là điều không thể tránh khỏi mà còn là yếu tố cần thiết giúp con người phát triển sức mạnh nội tại, tìm thấy ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống. Việc luyện đôi vai mạnh mẽ để đối phó với gánh nặng mà vũ trụ mang đến cho loài người là điều tất yếu cần thiết và thuận theo vũ trụ từ góc nhìn của Triết học phương Tây.
Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism), một trong những trường phái triết học tôi nghiên cứu chuyên sâu vì nó được ứng dụng khá nhiều trong đời sống hiện đại, cũng có quan điểm tương tự. Các triết gia khắc kỷ như Marcus Aurelius hay Seneca khuyên rằng con người nên chuẩn bị tinh thần cho mọi biến cố và đón nhận chúng với tâm thế vững vàng. Họ dạy rằng thay vì thay đổi thế giới bên ngoài, con người nên thay đổi cách phản ứng với thế giới, rèn luyện cho “đôi vai” mình vững vàng hơn để đối diện với thử thách. Góc nhìn từ tiểu trường phái trong trường phái triết học phương Tây này cũng thống nhất với triết học Phật giáo như đã trình bày ở trên. Bản thể quan trọng hơn ngoại cảnh và bản thể mới là thứ quyết định cuộc sống của một cá nhân nào đó.
Góc nhìn xã hội, tâm lý học hiện đại- Đừng trốn chạy, đừng dùng thuốc giảm đau, nhìn thẳng vào vấn đề và luyện
Trong xã hội hiện đại, câu nói này được coi là một lời khuyên khích lệ tinh thần tự lực và kiên cường, đặc biệt khi đối diện với áp lực công việc, cuộc sống và các mối quan hệ phức tạp. Chăm sóc sức khỏe tinh thần và rèn luyện khả năng phục hồi (resilience) được xem là những kỹ năng cần thiết để mỗi người tự đứng vững trong thế giới đầy biến động. Từ góc nhìn tâm lý học, thay vì tìm cách né tránh hay xoa dịu áp lực tạm thời, việc phát triển các kỹ năng như quản lý cảm xúc, tư duy tích cực và khả năng vượt qua khó khăn giúp cá nhân trở nên vững chãi hơn.Những vấn đề này tôi sẽ có những bài chia sẻ chi tiết để hỗ trợ người trẻ nhận thức được bản chất của vấn đề thay vì né tránh hoặc dùng “thuốc giảm đau tạm thời”. Việc tìm hiểu nhiều mảng liên ngành từ tâm linh đến khoa học duy vật hiện đại, tôi tin chắc rằng sẽ giúp ích được phần nào cho người trẻ ở Việt Nam, nhiều “zoombie tinh thần” đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Ngoài ra, xã hội hiện đại cũng nhấn mạnh ý nghĩa của việc chịu đựng và trưởng thành qua khó khăn để đạt được thành công. Từ một góc độ nào đó, việc luyện “đôi vai vững vàng” có nghĩa là trang bị cho bản thân những công cụ và kiến thức để đối mặt với áp lực, thay vì tìm kiếm lối thoát dễ dàng.
Tựu chung lại, từ các góc nhìn tôn giáo, triết học và xã hội tâm lý học hiện đại, câu nói này khuyến khích con người không trốn tránh khó khăn mà thay vào đó hãy tự rèn luyện để trở nên mạnh mẽ hơn. Dù trong tôn giáo là rèn luyện đức tin, trong triết học là tôi luyện sức mạnh nội tại, hay trong xã hội hiện đại là phát triển kỹ năng phục hồi, tất cả đều nhấn mạnh rằng vượt qua khó khăn, gánh nặng là con đường giúp con người trưởng thành và tìm thấy ý nghĩa đích thực trong cuộc sống.
Cảm ơn bài viết
Cảm ơn cô Thuỷ
Mong bản thân sẽ kiên định hơn
Có bao giờ cuộc đời ngừng thử thách không nhỉ?
Luyện cho đôi vai bớt hao gầy