Tác giả: Phạm Viết Nhật ( Bài viết là nhận định và liên hệ của cá nhân tác giả từ góc độ tìm hiểu các giáo lý của Phật giáo và các lý thuyết về Phật học, không đại diện cho trí tuệ nhân loaị hay lý thuyết cho bất cứ bài nghiên cứu nào, quý độc giả đọc với tâm thế tham khảo, bài viết cũng không có tính định hướng phong cách sống cho bất cứ cá nhân nào ngoài tác giả)
Thỉnh thoảng ai đó nói với bạn một câu khá hay nghe “Sướng khổ tại tâm.” khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều về một việc gì đó. Ừ thì đúng, ở một góc độ nhận thức thông thường học tâm lý học hiện đại có thể giải thích được câu nói này bằng các bằng chứng khoa học. Nhưng sâu xa hơn, ý niệm này là sự kết tinh của trí tuệ (trí tuệ khác với tri thức, mình sẽ làm rõ ở những bài sau) và sự quán chiếu từ bên trong, khi ta nhận ra rằng mọi xúc cảm thường nhật, dù là hoan lạc hay bi thương, cũng đều chỉ là thứ tạm bợ. “Vạn sự vô thường,” một lời dạy xưa cũ trong Phật học nhắc nhở rằng không có gì trường tồn, không một thứ gì mãi mãi thuộc về ta.
Cảm xúc là thứ kỳ lạ, tựa như một cơn sóng, lúc bình yên, lúc reo ca, và cũng lắm lúc cuồn cuộn dữ dội, cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi của nó. Niềm vui đến rồi cũng đi, cũng như khổ đau chẳng bao giờ ở lại mãi mãi bên một người. Khi thấu tỏ nhân sinh, thấu triệt tính chất vô thường của vũ trụ, ta sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn, bớt cố bám vào những niềm vui mong manh trần tục, và cũng thôi gặm nhấm nỗi đau đã phai tàn. Phật học từng trích dẫn một câu nghe đâu của Đức Phật ( tôi không dám chắc chắn vì thực tế, mọi kinh sách hiện tại đều do đồ đệ của Ngài ghi chép và truyền lại sau khi Ngài đã nhập Niết Bàn): “Mọi khổ đau đều khởi sinh từ lòng tham và sự bám chấp” – chính khi buông bỏ, ta sẽ tự thấy lòng mình thảnh thơi, chữ Buông trong Phật học khác với chữ Bỏ trong tục thế, buông là nhìn thấy mà không bám chấp, cảm nhận thấy nhưng không cố theo giành giật, vạn sự để duyên khởi.
Trong Phật học tôi từng nghiên cứu có nhắc đến khái niệm Vô ngã (khái niệm vô ngã này tôi đã trình bày ở một bài viết trước từ các góc nhìn của các tôn giáo khác nhau), đại ý chỉ ra rằng không có một cái “tôi” nào là cố định, tất cả chúng ta chỉ là sự hòa hợp của thân, tâm, và duyên khởi. Như một dòng sông không bao giờ là chính nó trong từng khoảnh khắc, tâm thức của ta cũng là một dòng chảy, không dừng lại và không cố định. Cái “tôi” chỉ là ảo ảnh, nhưng chúng ta lại thường trói mình vào nó, để rồi đau khổ vì những gì mình nghĩ rằng nó “thuộc về mình.” Khi buông bỏ ý niệm về bản ngã, ta có thể nhìn cuộc đời một cách nhẹ nhàng hơn, bởi không có trên thì không có dưới, không có trái thì không có phải, không có khổ đau thì không có hạnh phúc và ngược lại. Một cảm xúc buồn phiền chợt đến, thay vì nghĩ “Tôi đau khổ,” ta có thể tự nhủ, “Đây chỉ là một cơn gió thoảng qua.” Bởi mọi cảm xúc đều là tạm bợ, sao phải để nó cướp đi sự bình yên trong tâm hồn của những kẻ giác ngộ, để cái tôi với một bản ngã bị chi phối bởi vật chất, không gian, thời gian và tinh thần điều khiển cuộc sống của mình?
Trong Phật học, mọi sự trên đời đều bị chi phối bởi nhân duyên và hoàn cảnh. Niềm vui hay nỗi buồn của ta đôi khi chỉ là một phản ứng nhất thời trước sự chi phối của vũ trụ, những điều nằm ngoài kiểm soát của tâm. “Cũng giống như một dòng nước phản chiếu ánh sáng,” những cảm xúc của ta chỉ là sự phản chiếu hình bóng của các yếu tố xung quanh, chúng ta bị bản ngã đè chết nếu không hiểu được bản chất của các xúc cảm không có thực ở bản thể. Khi thấu hiểu điều này, ta sẽ không còn nắm giữ những cảm xúc quá chặt, không để chúng đè nặng tâm hồn. Hãy nhớ rằng, thứ nào càng nắm chặt thì càng dễ mất đi, tựa như cát trong tay ta, càng nằm càng chảy khỏi tay nhanh hơn.
Ta trở về với “tâm không” – cái tâm rộng lớn như biển cả, không dính mắc vào gì và cũng không để cho vui buồn cuốn đi.( 6 tâm thức bắt đầu từ cảm xúc- vật chất-sinh mạng- trí tuệ- nghiệp lực và tâm không; mình đã có một bài viết chuyên sâu về chủ. đề này)
Tâm không là cái tâm tự tại, thanh tịnh, và bình an, tâm của trí tuệ, tâm của thấu hiểu nhân sinh một cách vô cùng thông suốt, nơi đó chúng ta không còn bị chi phối bởi sự vô thường của pháp giới. Như câu nói của bậc hiền nhân: “Hãy nhìn đời như bọt nước, nhìn đời như ảo ảnh,” không để mình chìm sâu trong hỉ nộ ái ố, luôn tự tại và an yên trước sự biến đối vô thường. Khi ấy, niềm vui hay nỗi buồn đến, ta chỉ đón nhận, rồi để chúng qua đi, như một cơn gió nhẹ thoảng qua, không một dấu vết.