Phép màu từ chính bạn

Phép màu

Sau những ngày mưa dài, khi ánh nắng le lói đầu tiên trở lại, ta thường có thói quen ngẩng đầu nhìn trời cao, như đang tìm kiếm một điều gì đó – một dấu hiệu, một lời an ủi, hay thậm chí là một phép màu giúp ta quên đi những nặng nề vừa trải qua. Nhưng rồi, trong những khoảng lặng ấy, nếu bạn vô tình cờ đọc được câu này: “Bạn không cần phải tin tưởng vào phép màu, hãy tin tưởng vào chính bạn, bởi vì bạn chính là phép màu.” chắc chắn, bạn sẽ phải dừng lại và chiêm nghiệm về nó.

Câu nói tưởng chừng chỉ một hai lớp nghĩa đơn giản lại khơi dậy trong ta một suy nghĩ sâu sắc: Tại sao ta cứ mải mê tìm kiếm điều kỳ diệu ở bên ngoài, trong khi bản thân ta đã mang trong mình sức mạnh lớn lao để thay đổi và chữa lành?

Phật giáo từ lâu đã dạy rằng phép màu không đến từ bên ngoài, mà từ nội tâm của mỗi người. Đức Phật từng nói: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, chớ tìm ánh sáng từ người khác.” Đây không phải là lời khước từ niềm tin vào sự giúp đỡ, mà là lời nhắc nhở rằng sức mạnh thực sự nằm ở chính bản thân ta. Sau những ngày mưa, ta không thể trông chờ vào ai khác để làm khô đi những giọt nước đọng trên vai mình. Chính niềm tin, ý chí và sự kiên định mới là thứ ánh sáng giúp ta bước qua những đám mây đen.

Ta nhớ đến câu nói của Lỗ Tấn: “Trên đời này vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi.” Câu nói ấy như một lời khẳng định rằng mọi con đường đều do ta tạo nên, không phải do số phận hay bất kỳ thế lực nào sắp đặt. Phép màu không phải là một điều kỳ diệu bất ngờ xuất hiện để giải quyết mọi khó khăn, mà là từng bước nhỏ ta can đảm đi qua, từng hạt mầm ý chí ta gieo trồng mỗi ngày.

Triết lý Phật giáo cũng dạy rằng mọi điều trong cuộc đời đều là nhân quả. Khi ta bắt đầu tin vào chính mình, hành động với lòng yêu thương và sự tỉnh thức, ta đang gieo những hạt giống của bình an và hạnh phúc. Phép màu không phải là một điều huyền bí xa xôi, mà chính là thành quả từ những nỗ lực nhỏ nhặt ta thực hiện từng ngày. Đó có thể là một cái ôm dành cho chính mình sau những vất vả, là một lời động viên ta tự nói với bản thân: “Hãy kiên nhẫn, rồi mọi chuyện sẽ qua.”

Như Hòa thượng Giới Đức từng thuyết giảng trong một buổi thuyết pháp: “Ngôi chùa nào, chỗ tu học nào nói ra Sự Khổ và Sự Diệt Khổ mới chính là Đạo Phật, còn tất cả chỉ là tín ngưỡng và tôn giáo, không phải là Đạo Phật đích thực. Một Đạo Phật đi vào cuộc đời và sống giữa cuộc đời, chứ không phải là một Đạo Phật khói hương cầu nguyện tất cả mọi tha lực. Chính ra tự tác, tự tạo, tự gây Nhân và nhận Quả.”Lời dạy ấy không chỉ là một triết lý, mà còn là lời khuyên thực tiễn rằng, mọi phép màu đều bắt nguồn từ chính hành động, sự tự nhận thức và lựa chọn của ta trong mỗi khoảnh khắc, chính bản thân chúng ta là người tạo ra phép màu nhờ vào việc ý thức tự tác, tự tạo, những hành động thể hiện sự cố gắng nỗ lực tạo ra những nguồn năng lượng dồi dào cho phát triển bền vững và trù phú hoặc nếu như chúng ta làm sai, thì bản thân cũng chính là người tự đốt phép màu của mình, lời của Hoà thượng như củng cố thêm cho cái tự mình của nhân sinh.

Nhớ lại những ngày mưa, ta nhận ra rằng ngay cả khi bầu trời u ám nhất, ánh sáng vẫn luôn tồn tại – không phải từ đâu xa, mà từ chính trái tim và tâm trí của ta. Ta chính là người tự tạo ra phép màu để xoa dịu tổn thương, vượt qua khổ đau và tiếp tục bước đi, bản thân khi đã đủ thấu hiểu, đủ trưởng thành thì tự khắc sẽ có cách nhìn đời, nhìn người khác biệt, đó chính là phép màu, phép màu không mang tính ma mị, mà chính tự mình ý thức được..

Và rồi, như Tô Đông Pha từng viết:
“Gió mưa qua hết, trăng lại sáng;
Sóng đời tan, lòng hóa yên vui.”
Phép màu không phải điều gì quá xa vời hay vĩ đại. Nó chính là sự can đảm để đứng dậy sau những lần vấp ngã, là niềm tin để tiếp tục sống và yêu thương, là sự hiện diện của chính ta – trọn vẹn và mạnh mẽ giữa cuộc đời. Sau những ngày mưa, hãy tin rằng, bạn chính là ánh nắng, là phép màu đẹp nhất trong thế giới này.

Hãy là phép màu của chính mình, hãy để cảm xúc dẫn lối, trái tim chỉ đường và thuận theo tự nhiên, cái tự mình rõ ràng hơn…