Nhân sinh ngắn dài không kể, người ta vẫn thường ước ao một cuộc sống bình yên, thuận lợi, sóng gió chẳng ghé qua hoặc nhẹ nhàng đi qua. Thế nhưng, phải chăng chính những nghịch cảnh của đời người hay thuận duyên lại là cơ hội để chúng ta hoàn thiện chính mình? “Thuận cảnh tu đức, nghịch cảnh tu tâm” – câu nói chúng ta được các sư thầy sư cô nhắc nhở ấy gợi mở một hành trình sâu lắng để con người biết nuôi dưỡng phẩm hạnh và tâm hồn, tìm thấy ý nghĩa của sự tu tập giữa đôi bờ thuận nghịch.
Thuận cảnh là hoa, nhưng chớ mê đắm
Khi thuận cảnh đến, người ta dễ rơi vào vòng xoáy của hưởng thụ, quên đi sự tỉnh thức, đắm mình trong hoan lạc hỉ ái. Lòng người vốn dĩ mỏng manh trước những cám dỗ ngọt ngào, đắm mình trong hạnh phúc tạm thời mà quên đi xây dựng một bản thân vững chắc trước diễn biến của cuộc đời. Phật học từng dạy:
“Vô thường là bản chất của mọi sự vật, sự việc. Hãy nhớ rằng tất cả những gì hiện hữu rồi sẽ biến mất.”
Chính vì vậy, thuận cảnh không phải là đích đến, cũng chẳng bao giờ là kết quả bất biến, mà chúng chính là những bài học để chúng ta rèn đức. Khi cuộc sống đủ đầy, hãy biết chia sẻ, bố thí, và làm lợi ích cho đời, sống một đời khí chất thanh cao, không tham đắm vật chất, u mê hoan lạc quá độ. Người biết “tu đức” trong thuận cảnh sẽ không để tâm mình sinh kiêu mạn, giữ cho linh hồn một sự thuần kết trọn vẹn.
Giữa một ngày nắng đẹp, ta hãy tự hỏi: “Ta đã làm gì để ánh nắng này chiếu sáng thêm cho cuộc đời người khác?” Thuận cảnh không phải để chìm đắm trong ngã mạn, mà là cơ hội gieo trồng nhân lành. Như người trồng cây, chính trong mùa xuân ấm áp mà họ chăm bón, vun vén để cây đơm hoa, kết trái.
Nghịch cảnh là lửa, nhưng chớ để thiêu đốt
Khi nghịch cảnh ập đến, người ta thường oán trách, trách đời, trách đời trách mình và có xu hướng chối bỏ, chạy trốn. Thế nhưng, nghịch cảnh không phải là ngọn lửa thiêu rụi ta, mà là lửa tôi luyện tâm hồn, giúp ta tìm thấy sự bình an thật sự. Nghịch cảnh trong Phật học cũng nhắc rất nhiều, có một câu như thế này:
“Nhẫn nhục là một trong những pháp môn cao quý nhất, giúp con người vượt qua mọi thử thách trong đời.”
Giữa nghịch cảnh, tâm ta như con thuyền nhỏ trên biển cả. Nếu buông xuôi, thuyền sẽ chìm; nhưng nếu giữ tay lái vững vàng, ta có thể vượt qua mọi sóng dữ. Có những nỗi đau, mất mát tưởng chừng không thể chịu đựng, nhưng khi nhìn lại, đó lại là những khoảnh khắc giúp ta trưởng thành. Chất liệu để con người ta tỉnh thức, trưởng thành và tiến hoá chính là khổ đau của nhân sinh. Nghịch cảnh trong Phật học là chất liệu để tu, để giải thoát khỏi sự bám chấp được mất.
Hãy nhớ đến câu chuyện về thái tử Tất-đạt-đa. Chính khi từ bỏ cung vàng điện ngọc và đối diện với khổ đau của nhân sinh – già, bệnh, chết – Ngài mới hiểu rằng nghịch cảnh là nơi khởi nguồn trí tuệ. Nghịch cảnh, khi được đón nhận bằng tâm bình thản, sẽ giúp ta buông bỏ hận thù, không sinh sân hận, từ tự ngã ích kỷ chuyển hoá thành vô ngã bao dung từ việc thấu hết sự đời.
Thuận không sinh hư, nghịch không sinh hận
Người tu tập không sợ khổ đau bất hạnh trong nghịch cảnh, cũng không sa đọa trong hoan lạc của thuận cảnh. Đức Phật đã từng dạy về Bát chánh đạo – tám con đường dẫn đến giải thoát, trong đó “chánh niệm” là ngọn đèn soi sáng cả hành trình.
Trong thuận cảnh, chánh niệm giúp ta nhận ra rằng sự sung túc chỉ là tạm thời, không để lòng kiêu căng làm lu mờ ánh sáng tâm hồn. Trong nghịch cảnh, chánh niệm nhắc nhở ta rằng mọi đau khổ đều là bài học để trưởng thành và nó cũng chỉ là một biểu hiện của pháp, không thoát được vô thường,người sống tỉnh thức sẽ không để lòng oán hận ngăn cản sự giải thoát.
Người biết giữ mình trong thuận và nghịch sẽ không bị “hư” trong giàu có, cũng không bị “hận” trong nghèo khó.
Hành trình giữa đôi bờ
Thuận cảnh và nghịch cảnh đều là hai mặt của cuộc đời, như hai bờ của dòng sông chảy xiết. Chúng không đối lập, mà bổ trợ lẫn nhau, tạo nên một đời sống cân bằng. Đức Phật từng dạy:
“Như hoa sen mọc lên từ bùn nhơ mà không hôi tanh mùi bùn, người tu tập cũng phải vượt lên những nghịch cảnh để đạt được sự thanh tịnh.”
Đời người như cánh sen ấy. Nếu nói như người Việt, giữa bùn lầy của nghịch cảnh, ta tu tâm để giữ lòng thanh tịnh. Giữa ánh nắng rực rỡ của thuận cảnh, ta tu đức để lòng không mê đắm. Cả hai đều là phương tiện, đều là nhân duyên cho hành trình hoàn thiện bản thân.
Tạm kết
“Thuận cảnh tu đức, nghịch cảnh tu tâm” – câu nói ấy không chỉ là một lời khuyên, mà là kim chỉ nam cho cuộc đời. Dẫu thuận hay nghịch, chúng ta đều có thể chọn cách sống tỉnh thức, không sinh hư, không sinh hận. Đó mới là con đường hướng đến sự giải thoát mà Đức Phật đã chỉ dạy.
Hãy sống như cánh sen giữa bùn lầy khắc nghiệt, như dòng sông chảy mãi không ngừng, luôn giữ cho mình một tâm hồn trong sáng và một lòng bao dung. Vì chỉ khi ấy, chúng ta mới thật sự hiểu được ý nghĩa của sự sống và tu tập.